Án mạng ở Venice (tựa gốc: A haunting in Venice) là tác phẩm thứ 3 nằm trong loạt phim xoay quanh thám tử lừng danh Hercule Poirot – nhân vật chính trong loạt tiểu thuyết của ‘bà hoàng truyện trinh thám’ Agatha Christie. Phi vụ phá án lần này của Hercule Poirot không mới là về mô-tuýp nhưng bù lại khá cuốn hút khi sử dụng hiệu quả chất liệu kinh dị, siêu nhiên.
Sau Án mạng trên tàu tốc hành phương Đông và Án mạng trên sông Nile, hãng 20th Century Studio cùng tài tử Kenneth Branagh tiếp tục giới thiệu đến khán giả Án mạng ở Venice (tựa gốc: A haunting in Venice). Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết mang tên Halloween’s party của “bà hoàng truyện trinh thám” Agatha Christie nhưng kịch bản có sự thoát ly nhất định.
Án mạng ở Venice lấy mốc thời gian 10 năm sau vụ giết người trên sông Nile, bấy giờ, thám tử Hercule Poirot (Kenneth Branagh) đã quyết định “về vườn”. Ông chọn thành phố Venice cổ kính, thơ mộng làm nơi dưỡng già, tránh xa những vụ giết chóc và thuê cựu cảnh sát Vitale (Riccardo Scamarcio) làm vệ sĩ riêng, chẳng muốn đón tiếp ai ngoài người giao bánh ngọt. Thế nhưng, cuộc viếng thăm của một người bạn cũ – tiểu thuyết gia Ariadne Oliver (Tina Fey) đã cuốn ông vào một vụ án khó nhằn.
Nhận lời rủ rê của Ariadne, Hercule Poirot tham gia buổi lễ gọi hồn tại tư dinh quý bà Rowena Drake (Kelly Reilly). Đây là nỗ lực tuyệt vọng của bà ta nhằm trò chuyện với đứa con gái xấu số Alicia Drake qua đời ít lâu vì tự tử. Ngay sau phiên gọi hồn, hàng loạt chi tiết bí ẩn về cái chết của tiểu thư Alicia được hé lộ, đưa mọi người vào hoang mang. Khiếp đảm hơn, đúng nửa đêm, bà đồng Joyce Reynolds (Dương Tử Quỳnh) bị kẻ giấu mặt đẩy xuống từ lầu cao và tử vong tại chỗ. Cùng lúc, một cơn bão lớn đã cô lập tòa dinh thự nằm giữa bốn bề nước. Một ngôi nhà “ma ám”, tám kẻ tình nghi và một vị thám tử. Cuộc truy tìm kẻ sát nhân của Hercule Poirot lại lần nữa bắt đầu.
Thay vì trung thành với lối kể chuyện trinh thám kiểu cũ, biên kịch Michael Green và đạo diễn Kenneth Branagh đã nêm nếm thêm chút màu sắc, phong vị đặc trưng của dòng phim kinh dị, cụ thể là trường phái “gothic horror” vào Án mạng ở Venice. Sự lựa chọn này mang đến cho bộ phim một phong thái khác lạ, nâng cao độ tò mò nơi người xem. Bởi bên cạnh việc cùng Poirot suy luận xem ai là kẻ giết người, khán giả nay còn được dịp trăn trở liệu các vụ án mạng trong quá khứ và hiện tại là “tác phẩm” của con người hay bàn tay ma quỷ. Cú “twist” ở cuối phim sẽ làm người xem bất ngờ.
Khi đặt vấn đề về sự tồn tại của thế giới tâm linh, Án mạng ở Venice cùng lúc đặt ra một chiếc bẫy cho khán giả và chính bản thân Hercule Poirot. Ông vốn dĩ là một nhân tài xuất chúng nhưng cũng rất cao ngạo và sống lý tính. Thế nên, Án mạng ở Venice lần đầu thách thức năng lực và đức tin của vị thám tử đại tài. So với 2 phần phim trước, ta thấy Hercule Poirot gần gũi hơn, bớt “thánh thần” hơn khi ông cũng có những nỗi ám ảnh riêng, khao khát được thả lỏng, được sống thật với những người xung quanh và cũng có cho riêng mình những “bóng ma quá khứ”.
Tài tử Kenneth Branagh đã gắn bó với loạt phim xoay quanh thám tử Hercule Poirot được 6 năm ở vai trò nhà sản xuất lẫn đạo diễn kiêm diễn viên chính. Điều này đủ cho thấy ông là “fan cuồng” của loạt tiểu thuyết và thám tử Hercule Poirot. Với Án mạng ở Venice, Kenneth Branagh đã dành nhiều thời gian để khai thác và bày tỏ nhiều tình cảm cá nhân với nhân vật hư cấu mà ông gắn bó. Diễn xuất của ngôi sao gạo cội tất nhiên không làm người xem thất vọng.
Phần hình ảnh của Án mạng ở Venice cũng thú vị và mãn nhãn hơn hẳn so với hai bộ phim trước. Cảnh quan, kiến trúc, thời trang của Venice vốn đã có sức hút khó cưỡng. Một căn dinh thự kiểu Palazzo đặc trưng của Ý nằm ngay mép nước nghiễm nhiên trở thành một bối cảnh tuyệt vời để kể một câu chuyện trinh thám nhuốm màu tâm linh. Những hành lang dài, khúc cua, tường đá, ánh nến nhập nhoạng tạo ra một bầu không khí hoài cổ vừa bí hiểm, rất hiệu quả trong việc tạo ra những cú máy giật gân.
Phim có nhiều góc quay đảo ngược, xô lệch, hiệu ứng ảo giác cầu kỳ. Ở đỉnh điểm cao trào phim, người xem sẽ nhận ra lựa chọn kỹ thuật quay này hoàn toàn có dụng ý, rất thông minh. Án mạng ở Venice cũng có khá nhiều cảnh quay sử dụng “snorricam” để lấy cận biểu cảm của diễn viên trong suốt quá trình họ hành động, như cái nhìn sòng sọc và truy vấn vào lương tâm mỗi người.
Tuy nhiên, Án mạng ở Venice vẫn là một bộ phim trinh thám kiểu “ăn liền”. Bộ phim bày biện ra gần 10 nhân vật, 1 vụ tự tử trong quá khứ, 2 vụ án mạng ở hiện tại với những chỉ dấu mập mờ nhưng mọi thứ được giải quyết chỉ trong vòng 1 đêm. Tổng thời lượng của Án mạng ở Venice là 103 phút, hồi đầu thì lê thê nhưng hồi 3 lại giải quyết vô cùng vội vã. Thám tử Hercule Poirot có những màn trò chuyện hết sức chóng vánh với mỗi nhân vật tình nghi. Và giữa các nhân vật đó hiếm hoi lắm mới có sự tương tác với nhau. Song, những cài cắm, tư liệu, dẫn chứng đưa ra trong quá trình Hercule Poirot thẩm vấn, quan sát, kết nối chưa đủ dày và tinh tế để khán giả phải cảm thấy trầm trồ khi mọi sự vỡ lẽ.
Nhìn chung, Án mạng ở Venice là một bộ phim trinh thám “ổn áp” để giải trí cuối tuần. Phong cách hình ảnh, thông điệp phim cũng rõ ràng và mang đến nhiều cảm xúc hơn so với hai phim tiền nhiệm. Án mạng ở Venice vẫn sở hữu “đặc sản” ngôi sao hội tụ, với sự góp mặt của: Kennetn Brannag, Dương Tử Quỳnh, Kyle Allen, Camille Cottin, Jamie Dornan, Tina Fey, Jude Hill, Ali Khan, Emma Laird, Kelly Reilly, Riccardo Scamarcio…